Sau khi học xong lớp tập huấn thay sách giáo khoa lớp 2 mới, thầy cô phải viết bài thu hoạch tập huấn SGK lớp 2 để trình bày lại những gì đã học cho từng môn như: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm, Tự nhiên và Xã hội.
Vậy mời thầy cô tham khảo bài thu hoạch lớp tập huấn SGK lớp 2 bộ Chân trời sáng tạo trong bài viết dưới đây, để nhanh chóng hoàn thiện bài thu hoạch cho mình:
Bài thu hoạch lớp tập huấn thay sách giáo khoa lớp 2 theo Chương trình GDPT 2018
Câu hỏi: Qua lớp tập huấn, thầy/ cô học tập nội dung cơ bản nào?
Qua lớp tập huấn bản thân học tập gồm các nội dung cơ bản như sau:
Tập huấn Chương trình thay sách giáo khoa lớp 2 bộ sách Chân trời sáng tạo gồm các môn:
– Môn Tiếng việt 2
– Môn Toán 2
– Môn Đạo đức 2
– Môn Hoạt động trải nghiệm 2
– Môn Tự nhiên – Xã hội 2
Qua đó nhằm giúp cho các giáo viên tiểu học hiểu rõ những nội dung cơ bản của Chương trình Giáo dục phổ thông ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT- BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Được biết, nội dung bộ SGK Chân trời sáng tạo lớp 2 của NXB giáo dục Việt Nam tập trung vào các đặc điểm như: kế thừa, khoa học, hiện đại; gần gũi, thiết thực, khả thi, gắn với thực tiễn; tích hợp, liên môn; tính mở để giáo viên sử dụng, sáng tạo; đa dạng các hoạt động,… Bộ sách “Chân trời sáng tạo” là 1 trong 3 bộ SGK lớp 2 theo Chương trình GDPT 2018 được Bộ GD&ĐT phê duyệt.
* Những nội dung cơ bản trong Chương trình thay sách giáo khoa lớp 2 bộ sách Chân trời sáng tạo cụ thể ở các môn như sau:
1. Môn Tiếng việt
Bộ SGK Tiếng Việt được biên soạn nhằm đáp ứng các yêu cầu: Tuân thủ định hướng đổi mới giáo dục phổ thông: chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực; Bám sát các tiêu chuẩn SGK mới theo Thông tư số 33/2017/TT- BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Theo quy định của CT Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn, môn Tiếng Việt cấp Tiểu học, SGK Tiếng Việt 2, Bộ sách Chân trời sáng tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn cho 35 tuần thực học, tổng cộng 350 tiết; chia thành 2 tập:
♦ Tập một: dành cho học kì I, gồm 18 tuần với 16 tuần dạy bài mới (8 chủ điểm), 1 tuần ôn tập giữa học kì và 1 tuần ôn tập, kiểm tra đánh giá cuối học kì.
♦ Tập hai: dành cho học kì II, gồm 17 tuần với 15 tuần dạy bài mới (7 chủ điểm), 1 tuần ôn tập giữa học kì và 1 tuần ôn tập, kiểm tra đánh giá cuối học kì.
Mỗi tập sách gồm Kí hiệu dùng trong sách, Lời nói đầu, Mục lục và các bài học được sắp xếp theo chủ điểm. Cuối sách có bảng Một số thuật ngữ dùng trong sách.
– Về thời lượng: Mỗi chủ điểm gồm 2 tuần học, mỗi tuần 10 tiết. Tuỳ theo kế hoạch dạy học, nhà trường có thể dạy 2 tiết trong một buổi hoặc một ngày. Cũng tuỳ theo kế hoạch dạy học nhà trường có thể xếp thêm 1 – 2 tiết/ tuần dành cho thực hành, ôn luyện, tạo điều kiện cho HS củng cố kiến thức, kĩ năng đã học.
– Về số bài và kiểu bài: Mỗi chủ điểm có 4 bài đọc hiểu, kèm theo là những nội dung thực hành luyện tập các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Mỗi bài gồm 4 hoạt động chính: Khởi động, Khám phá, Luyện tập, Vận dụng.
– Về loại thể văn bản: Mỗi chủ điểm có 4 văn bản, lần lượt tương ứng với từng thể’ loại: thơ, truyện, miêu tả, thông tin.
2. Môn Toán:
SGK Toán 2 được cấu trúc theo 6 chương, mỗi học kì ba chương. Trên cơ sở mở rộng của các vòng số, các chương được viết dưới dạng tích hợp ba mạch kiến thức: Số và Phép tính, Hình học và Đo lường, Một số yếu tố Thống kê và Xác suất.
* Chương 1. Ôn tập và bổ sung
Nội dung chủ yếu của chương:
Ôn tập những kiến thức cơ bản về hai mạch kiến thức đã học ở lớp 1 và bổ sung một số kiến thức trong chương trình môn Toán lớp 2:
+ Ước lượng số đồ vật; tên gọi các thành phần của phép tính; mở rộng ý nghĩa của phép cộng, phép trừ; giới thiệu tia số và số liền trước, liền sau.
+ Điểm, đoạn thẳng; giới thiệu đơn vị đo độ dài Đề- xi- mét.
* Chương 2. Phép cộng, phép trừ qua 10 trong phạm vi 20
Nội dung chủ yếu của chương là đề cập tới các biện pháp cộng, trừ qua 10. Lồng ghép với nội dung trên, một số kiến thức mới được giới thiệu:
+ Chính thức giới thiệu Bài toán và Phương pháp giải bài toán. HS giải các bài toán Nhiều hơn, Ít hơn trên cơ sở hiểu ý nghĩa (đã được tiếp cận từ chương 1). Từ giai đoạn này HS sẽ viết để’ trình bày bài giải.
+ Một số nội dung về Hình học và Đo lường: Đường thẳng, đường cong, đường gấp khúc, ba điểm thẳng hàng, dung tích và đơn vị lít.
* Chương 3. Phép cộng, phép trừ có nhớ trong phạm vi 100
+ Các nội dung về cộng, trừ có nhớ được kế thừa từ cộng, trừ không nhớ ở lớp 1 và cộng, trừ qua 10 ở chương 2.
+ Ngày, giờ, ngày trong tháng và xem lịch tháng.
+ Một số yếu tố xác suất, thống kê đơn giản được giới thiệu.
+ Ôn tập học kì 1.
* Chương 4. Phép nhân, phép chia
+ Giới thiệu ý nghĩa và bản chất của phép nhân, phép chia; tên gọi các thành phần của phép tính; các bảng nhân, chia 2 và 5.
+ Giờ, phút; đọc giờ trên đồng hồ khi kim phút chỉ số 3, số 6.
* Chương 5. Các số đến 1000
+ Giới thiệu đơn vị, chục, trăm, nghìn. Khái quát hóa cách lập số, đọc và viết số, phân tích số và so sánh số.
+ Giới thiệu thêm hai đơn vị đo độ dài: mét và ki- lô- mét.
+ Hai hình khối: khối trụ, khối cầu và một hình phẳng là hình tứ giác cũng được giới thiệu ở chương này.
* Chương 6. Phép cộng, phép trừ trong phạm vi 1000
+ Khái quát hóa cách cộng, trừ (không nhớ, có nhớ) trong phạm vi 1000.
+ Giới thiệu đại lượng Khối lượng với đơn vị Ki- lô- gam; Tiền Việt Nam với đơn vị Đồng.
+ Ôn tập cuối năm.
* Những điểm mới của sách giáo khoa môn Toán
– Với quan điểm quán triệt các quy định của chương trình môn học, kế thừa và phát huy ưu điểm các bộ sách SGK trước đó, bộ sách tiếp thu có chọn lọc các thành tựu khoa học giáo dục của các nước tiên tiến.
– SGK cung cấp đầy đủ các nội dung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy học định hướng phát triển năng lực, phẩm chất và tích hợp phù hợp với xu thế chung của giáo dục toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang ở ngưỡng cửa của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư – cách mạng Công nghiệp 4.0. Mỗi đơn vị kiến thức đều được hình thành qua việc sử dụng các phẩm chất và năng lực đặc thù, ngược lại quá trình vận dụng kiến thức kĩ năng đòi hỏi khả năng tổng hợp các phẩm chất và năng lực.
3. Môn Đạo đức:
Bước đầu hình thành, phát triển ở HS những hiểu biết ban đầu về chuẩn mực hành vi đạo đức, pháp luật và sự cần thiết thực hiện theo các chuẩn mực đó trong quan hệ với bản thân và người khác, với công việc, cộng đồng, đất nước, nhân loại và môi trường tự nhiên; thái độ tự trọng, tự tin; những tình cảm và hành vi tích cực: yêu gia đình, quê hương, đất nước; yêu thương, tôn trọng con người; đồng tình với cái thiện, cái đúng, cái tốt, không đồng tình với cái ác, cái sai, cái xấu; chăm học, chăm làm; trung thực; có trách nhiệm với thái độ, hành vi của bản thân.
Giúp HS bước đầu nhận biết và điều chỉnh được cảm xúc, thái độ, hành vi của bản thân; biết quan sát, tìm hiểu về gia đình, quê hương, đất nước và về các hành vi ứng xử; biết lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch cá nhân, hình thành thói quen, nền nếp cơ bản, cần thiết trong học tập, sinh hoạt.
Nội dung giáo dục Đạo đức lớp 2:
Gồm tổng cộng 15 bài
– Giáo dục đạo đức (55%)
– Giáo dục kĩ năng sống (25%)
– Giáo dục pháp luật (10%)
– Giáo dục kinh tế
* Những điểm mới của sách giáo khoa môn Đạo đức 2
* Về nội dung
Về giáo dục đạo đức, SGK Đạo đức 2 tiếp tục xây dựng nội dung giáo dục đạo đức xoay quanh các mối quan hệ trong CTGD 2006 (với bản thân; với người khác; với công việc; với cộng đồng, đất nước, nhân loại; với môi trường tự nhiên) nhưng thay thế các mạch nội dung bằng các phẩm chất đạo đức chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
*Về hình thức
Mục tiêu của đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là phát triển hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi HS, đồng thời để phù hợp với đặc điểm, năng lực tư duy trực quan của HS tiểu học, chú trọng phát huy tối đa vai trò của kênh hình, dùng hình thay chữ; đảm bảo thể’ hiện chính xác, đẹp và hợp lí những nội dung giáo dục về chủ quyền quốc gia, quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…
4. Hoạt động trải nghiệm
* Nội dung sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm 2
Nội dung SGK Hoạt động trải nghiệm 2 được chia thành 9 chủ đề, thể hiện đầy đủ các yêu cầu cần đạt của Chương trình Hoạt động trải nghiệm 2. Cụ thể như sau:
- Chủ đề 1: Em và mái trường mến yêu
- Chủ đề 2: Vì một cuộc sống an toàn
- Chủ đề 3: Kính yêu thầy cô – Thân thiện với bạn bè
- Chủ đề 4: Truyền thống quê em
- Chủ đề 5: Chào năm mới
- Chủ đề 6: Chăm sóc và phục vụ bản thân
- Chủ đề 7: Yêu thương gia đình – Quý trọng phụ nữ
- Chủ đề 8: Môi trường xanh – Cuộc sống xanh
- Chủ đề 9: Những người sống quanh em
Mỗi chủ đề trong SGK Hoạt động trải nghiệm 2 bao gồm các loại hình hoạt động: Sinh hoạt dưới cờ, Hoạt động giáo dục theo chủ đề, Sinh hoạt lớp và được phân chia theo tuần.
Các Hoạt động giáo dục theo chủ đề trong SGK được thiết kế, xây dựng dựa trên cơ sở yêu cầu về cấu trúc hoạt động của một số thông tư và lí thuyết sau:
– Theo Thông tư số 33 cấu trúc bài học trong SGK bao gồm 4 thành phần cơ bản: Mở đầu, Kiến thức mới, Luyện tập, Vận dụng.
– Theo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, hướng tới các loại hoạt động học tập: Khám phá, Thực hành, Vận dụng.
– Theo lí thuyết học tập qua trải nghiệm của một số nhà giáo dục trên thế giới: John Dewey, David Kolb,…
Cấu trúc chủ đề hoạt động của SGK Hoạt động trải nghiệm 2:
- Mở đầu: Nhận diện – Khám phá
- Kiến thức mới: Tìm hiểu – Mở rộng
- Vận dụng: Thực hành – Vận dụng
- Đánh giá – Phát triển
* Những điểm mới về thiết kế và tổ chức hoạt động
Chương trình Hoạt động trải nghiệm quốc gia đã xác định 4 loại hình hoạt động chủ yếu là Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ. Trong việc biên soạn SGK theo chương trình Hoạt động trải nghiệm, bên cạnh những điểm mới về mục tiêu, về nội dung thì khâu thiết kế và tổ chức hoạt động cũng là một điểm mới đáng chú ý.
5. Môn Tự nhiên – Xã hội 2
Nội dung sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2
Thời lượng thực hiện chương trình môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2 là 70 tiết/năm học. Dựa trên hướng dẫn thực hiện chương trình môn học, SGK Tự nhiên và Xã hội 2 bộ sách Chân trời sáng tạo gợi ý cấu trúc nội dung và phân phối số tiết từng chủ đề như sau:
*Gồm các chủ đề: (6 chủ đề)
- Chủ đề: Gia đình (10 – 11 tiết)
- Chủ đề: Trường học (8 – 9 tiết)
- Chủ đề: Cộng đồng địa phương (10 – 13 tiết)
- Chủ đề: Thực vật và động vật (11 – 13 tiết)
- Chủ đề: Con người và sức khỏe (14 – 15 tiết)
- Chủ đề: Trái đất và bầu trời (8 – 9 tiết)
Mỗi chủ đề có cấu trúc thống nhất gồm:
Trang chủ đề: Giới thiệu tên chủ đề và có hình vẽ minh hoạ thể hiện nội dung đặc trưng của chủ đề.
Các bài học trong chủ đề: Trong đó, bài học cuối mỗi chủ đề đưa ra những gợi ý để nhà trường và giáo viên có thể tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực hành, khám phá thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh cho học sinh.
Ôn tập chủ đề: là hệ thống các bài tập và nhiệm vụ học tập được thể hiện qua việc hoàn thành những sơ đồ, trả lời câu hỏi, xử lí tình huống, thực hành tham quan, tìm hiểu thực tế,… Thông qua các bài tập và nhiệm vụ học tập này, học sinh không chỉ được củng cố kiến thức, kĩ năng học được trong chủ đề mà còn tự đánh giá được các năng lực khoa học của bản thân.
Mỗi bài học được xây dựng với cấu trúc là một chuỗi các hoạt động học tập của học sinh, thể hiện rõ quan điểm dạy học phát triển năng lực và dạy học tích hợp, đồng thời đảm bảo cấu trúc bài học theo tiêu chuẩn sách giáo khoa quy định tại thông tư số 33/2017/ TT- BGDĐT.
Mỗi bài học được trình bày theo cách tiếp cận gắn với những năng lực đặc thù và gợi ý giáo viên tổ chức dạy học linh hoạt. Ở mỗi tiết, đều có cấu trúc thống nhất, bao gồm:
- Phần mở đầu
- Phần nội dung chính
- Phần kết bài học
* Những điểm mới của sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội 2
Sách được biên soạn theo mô hình hoạt động học và định hướng phát triển năng lực
Mỗi bài học trong SGK được trình bày theo logic tiến trình hoạt động học, đi từ khởi động, khám phá để hình thành năng lực, nhận thức, tìm hiểu khoa học đến năng lực vận dụng kiến thức và kĩ năng đã học. Tiến trình học tập này không chỉ phù hợp với quy luật nhận thức chung mà còn gắn nội dung bài học với việc vận dụng, giải quyết vấn đề thực tiễn có liên quan. Đặc biệt, học sinh được tiếp cận nội dung bài học thông qua các hoạt động học tập gắn liền với các năng lực khoa học trong môn Tự nhiên và Xã hội, giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực đặc thù một cách rõ ràng, cụ thể thông qua nội dung học tập, đồng thời, giúp giáo viên dễ dàng nhận xét và đánh giá sự phát triển năng lực đặc thù của học sinh.
Bên cạnh đó, mỗi hoạt động trong SGK không chỉ có vai trò hướng dẫn, gợi ý học sinh thực hiện các hoạt động học tập mà còn gợi ý cho giáo viên về việc tổ chức các hoạt động dạy học thông qua kênh chữ và kênh hình. Trong đó, nhiều bài học có sự kết hợp giữa kênh hình và kênh chữ thông qua bóng nói, bóng nghĩ nhằm thu hút, hấp dẫn học sinh (giúp sách có cách thể hiện giống truyện hình, tạo sự thân thiết, gần gũi với học sinh tiểu học), đồng thời dẫn dắt, tạo sự tò mò, kích thích học sinh tư duy và khám phá, giúp sách tiếp cận thực tiễn và đi vào thực tiễn.
* Đề xuất:
– Sau khi học thay sách cần cung cấp đầy đủ các phương tiện phục vụ cho việc dạy học như:
+ Phương tiện nghe nhìn Ti vi 55 inch, Tranh, ảnh, SGK … trước khi bước vào năm học mới. Nhằm đảm bảo cho việc dạy và học, năm học 2021- 2022.
– Tài liệu tập huấn cần được gửi về trước cho từng đơn vị để giáo viên nghiên cứu trước khi lớp tập huấn.